Về thành phần hóa học, trong l00g dưa leo có 95g nước; 0,8g protid; 3g glucid; 0,7g xenlulo, cung cấp được 16 calo, tương đương với nhiều loại rau tươi khác như cải sen, cải cúc, cải soong, cải thìa...
Ngoài ra, trong dưa leo còn có nhiều loại vitamin và muối khoáng cần thiết cho cơ thể như caroten 0,30mg trong l00g; vitamin B1 0,03mg; vitamin B2 0,04mg; vitamin PP 0,1mg; vitamin C 5mg; canxi 23mg; photpho 27mg; sắt 1mg…
Dưa leo được dùng ăn tươi là chính, hái quả về, rửa thật sạch, cầm cả quả cắn ăn, hoặc bổ dọc bỏ ruột chấm muối ăn. Nhiều người thích ăn dưa leo chấm muối ớt, vừa ngon miệng, vừa chóng hết khát; về mùa hè, lao động ngoài trời nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, khát nước chỉ cần ăn mấy quả dưa leo tươi sẽ thấy đỡ khát, đỡ mệt nhiều, vì cơ thể được cung cấp một lượng nước ngon ngọt mát, có nhiều vitamin C và muối khoáng.
Ngoài ra, dưa leo còn dùng để xào, nấu canh, nấu súp, thái nhỏ ăn sống như rau tươi, hoặc muối chua ăn như măng, dưa hành... Gần đây, chúng ta còn thấy loại dưa leo bao tử được chế biến cẩn thận và đóng trong các lọ thủy tinh hoặc hộp, ăn ngon, giòn, nhiều vitamin C.
Loại dưa leo bao tử này được coi là món ăn cao cấp, ngon ngọt, mát bổ, chua giòn, màu vàng tươi, hương vị tăng cao hơn vì có thêm mùi thơm của gia vị, bảo quản được khá lâu (5-6 tháng) và thường được xếp trong những lọ thủy tinh hay đóng hộp theo chiều thẳng đứng khít nhau trông rất quyến rũ.
Ngoài giá trị ăn uống, dưa leo còn được dùng làm thuốc và mỹ phẩm. Theo Đông y, dưa leo tính lạnh, vị ngọt, vào các kinh tì, vị, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ khát, dùng chữa các chứng bệnh do nhiệt như kiết lỵ, phù thũng do thấp nhiệt có kết quả tốt.